Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) được công bố lần đầu tiên trong báo cáo phát triển con người toàn cầu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dựa trên tư tưởng của Amartya Sen về năng lực và các chức năng. Chức năng là những thứ có giá trị mà con người mong muốn và tạo nên hạnh phúc của họ (ví dụ như có sức khỏe, có giáo dục, được an toàn,...). Năng lực là sự thực hiện các chức năng và sự tự do của con người trong việc tận hưởng các chức năng mà họ mong muốn. Chỉ số HDI là một chỉ số đa chiều đo lường các chức năng của con người trên ba phương diện là giáo dục, sức khỏe và phúc lợi vật chất. Việc sử dụng các chỉ số đơn chiều trước đây (thường là đo lường chiều cạnh kinh tế) được cho là không đầy đủ và phù hợp để đánh giá sự phát triển xã hội. Bởi thế, cần xây dựng các chỉ sô đa chiêu có thể giải thích một số khía cạnh liên quan đến phúc lợi và tiềm năng kinh tế của con người (môi trường, y tế, giáo dục, hội nhập xã hội,...).