Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của cả nước. Tuy nhiên, các vấn đề xã hội đặt ra hiện nay về môi trường, kinh tế và xã hội đang gây nhiều áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên. Nghiên cứu này đã thực hiện phân tích, đánh giá dữ liệu đa dạng hệ thực vật tại các Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) và Khu Bảo vệ Cảnh quan (BVCQ) ở thành phố Đà Nẵng, đã được ghi nhận trong 50 công trình nghiên cứu và tài liệu của trong và ngoài nước, đồng thời điều tra bổ sung tại thực địa. Kết quả phân tích dữ liệu đã chỉ ra có 2.404 loài thuộc 199 họ, 9 lớp, trong 4 ngành thực vật (ngành Hạt kín, ngành Dương xỉ, ngành Hạt trần và ngành Thông đất). Kết quả của 1 đợt sơ thám, 5 đợt điều tra trên 32 tuyến và 42 OTC (1.000 m2 ) tại Khu BTTN Bà Nà-Núi Chúa
Khu BTTN Sơn Trà, Khu Danh thắng núi vôi Ngũ Hành Sơn và Khu BVCQ Nam Hải Vân đã bổ sung thêm 536 loài thuộc 134 họ, trong 6 nhóm ngành thực vật: Quyết lá thông, Thông đất, Dương xỉ, Thông, Hạt kín và Hạt Trần, trong đó có 413 loài chưa được đề cập trong danh sách tài liệu đã phân tích. Nghiên cứu còn chỉ ra đặc điểm đa dạng các sinh cảnh, dạng sống và giá trị sử dụng của hệ thực vật tự nhiên tại thành phố Đà Nẵng.