Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Trong bối cảnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò thiết yếu tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngân hàng được coi là mạch máu của nền kinh tế quốc gia, vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, nhất là thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin (CNTT), trong khi đó Ngân hàng là lĩnh vực có mức độ ứng dụng CNTT cao, chịu nhiều tác động của làn sóng công nghệ 4.0. Vì vậy, đòi hỏi nguồn nhân lực phải liên tục phát triển để đáp ứng những thay đổi đó. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực ngành Ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với rất nhiêu khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hụt nhân sự có khả năng phân tích dữ liệu, thành thạo kỹ năng vận hành công nghệ số bên cạnh việc giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Việt Nam cần nắm bắt được cơ hội và học hỏi, thay đổi để ứng phó với các thách thức đặt ra trước những chuyển biến mới của ngành ngân hàng. Trên cơ sở phân tích thực trạng và đánh giá về những tồn tại, hạn chế đối với nguồn nhân lực ngành ngân hàng, bài viết đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.