Trước sự gia tăng dân số, nhu cầu phát triển, tiêu thụ... ngày càng cao của con người đã gây sức ép lớn lên tài nguyên thiên nhiên. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là các dự án thủy điện, đường giao thông, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... khó tránh khỏi tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, do cần sử dụng đất rừng, kể cả rừng đặc dụng. Vì vậy, một số tổ chức uy tín trên thế giới đã xây dựng những hướng dẫn về đánh giá tác động của một số dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái (HST) tự nhiên nói chung từ rất sớm. Nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa là rất lớn, nhiều dự án đầu tư phải sử dụng đất rừng và không thể tránh khỏi những tổn thất về rừng nói chung và rừng tự nhiên nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp lý rõ ràng, cũng như chưa có những tiêu chí, chỉ số cụ thể để trả lời câu hỏi "tổn hại ở mức độ nào là có thể chấp nhận?". Sự thiếu rõ ràng này đã và đang gây khó khăn cho các chủ dự án trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như cho cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, vì vậy cần thiết phải nghiên cứu để sớm có căn cứ thẩm định và lựa chọn dự án một cách chính xác nhất, đảm bảo việc phát triển kinh tế đi đôi với BVMT, thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc không đánh đổi môi trường vì mục đích kinh tế.,