Vàng da tăng Bilirubin gián tiếp là một hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và do nhiều nguyên nhân gây ra, tan máu do bệnh lý bẩm sinh Hemoglobin là một trong những nguyên nhân đó. Tìm hiểu nguyên nhân tan máu do bệnh lý bẩm sinh Hemoglobin của vàng da tăng Bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh qua nghiên cứu sự biến đổi hình thái hồng cầu trên huyết đồ là cần thiết để theo dõi nhóm bệnh có yếu tố nguy cơ này liên tục từ sơ sinh đến lớn. Mục tiêu nghiên cứu: 1). Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và biến đổi huyết đồ của bệnh vàng da tăng bilirubin gián tiếp thời kỳ sơ sinh
2). Xác định mối liên quan giữa biến đổi hình thái hồng cầu trên kết quả huyết đồ với lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh vàng da tăng Bilirubin gián tiếp thời kỳ sơ sinh. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên 79 trẻ sơ sinh được chẩn đoán vàng da tăng bilirubin gián tiếp theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2003. Thông tin thu thập gồm lâm sàng, cận lâm sàng và huyết đồ của vàng da tăng Bilirubin gián tiếp thời kỳ sơ sinh. Kết quả: Tỷ lệ trẻ vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp có biến dạng hồng cầu bất thường là 83,5%. Trong đó, tỷ lệ có hồng cầu hình bia là 22,7%, hình giọt nước là 6,1%, hình cầu là 3%, hình Oval là 10,6%, hồng cầu nhân là 54,5% và hồng cầu nhỏ là 65,2%. Xác định có mức Bilirubin tăng cao hơn ở nhóm sơ sinh có nguy cơ và có mối liên quan giữa biến đổi hình thái hồng cầu với các nhóm sơ sinh có nguy cơ (cân nặng thấp, sanh non). Kết luận: Trong những trẻ sơ sinh vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp có những trẻ có bất thường hình thái hồng cầu, cần chú ý theo dõi bệnh lý bẩm sinh Hemoglobin.