Khảo sát khả năng hấp phụ 131I dạng lỏng của cột lọc được chế tạo từ vật liệu composit than sinh học/PVA và zeolite ZSM-5/PVA, từ đó đánh giá tỷ lệ khối lượng than sinh học/zeolite ZSM-5 phù hợp khi tiến hành xử lý nước thải thực tế và tiên lượng được sự giảm thiểu thời gian lưu trữ chất thải lỏng phóng xạ chứa 131I còn lại sau khi đi qua cột lọc. Cột lọc được chế tạo từ các vật liệu composit than sinh học/PVA và zeolite ZSM-5/PVA với các tỉ lệ khối lượng than sinh học/zeolite ZSM-5 khác nhau. Cụ thể, bằng cách sử dụng cột hấp phụ, vật liệu tổng hợp được chế tạo dưới dạng hình cầu đưa vào các cột với các tỉ lệ khối lượng than sinh học/zeolite ZSM-5 là 9:1, 8:2, 7:3 và 6:4. Sau đó, cho dung dịch chứa 131I với tỷ lệ nồng độ hoạt độ cố định cùng đi qua các cột lọc. Nồng độ hoạt độ của dung dịch 131I trước và sau khi qua cột lọc được đo để đánh giá khả năng hấp phụ của cột sau 1, 2 và 3 vòng lặp. Kết quả ban đầu cho thấy tỉ lệ khối lượng than sinh học: zeolite ZSM-5 từ 6:4 đến 9:1 cho khả năng hấp phụ 131I không khác biệt nhau trong điều kiện khảo sát, hiệu suất hấp phụ 131I của cột lọc đạt hiệu quả xấp xỉ 40% sau 3 vòng lặp. Kết quả này cũng cho thấy sau 3 vòng lặp, khả năng hấp phụ 131I chưa có dấu hiệu bão hoà. Hỗn hợp vật liệu composit than sinh học/PVA và zeolite ZSM-5/PVA có khả năng xử lý iot phóng xạ, cho thấy tiềm năng ứng dụng trong việc xử lý nước thải chứa iot phóng xạ trong bệnh viện có chữa trị bệnh nhân tuyến giáp bằng thuốc phóng xạ (131I).