Bài báo này xem xét các lý thuyết chủ đạo về quản trị công ty và mối quan hệ giữa các cấu trúc quản trị công ty và hiệu quả tài chính công ty. Chúng tôi chỉ ra rằng bốn lý thuyết chủ yếu thường được sử dụng để nghiên cứu mối quan hệ quản trị công ty - hiệu quả tài chính công ty là lý thuyết đại diện, lý thuyết nhà quản lý, lý thuyết phụ thuộc nguồn lực, và lý thuyết thể chế. Mặc dù là một cách tiếp cận chiếm ưu thế áp đảo trong các nghiên cứu về quản trị công ty, lý thuyết đại diện trong thời gian gần đây bị nhiều chỉ trích vì không phản ánh một cách đầy đủ các thực tiễn quản trị công ty trong các bối cảnh thể chế khác nhau. Do đó, cần phải kiểm tra lại khuôn khổ phân tích ủy quyền - tác nghiệp truyền thống để có thể hiểu rõ hơn mối quan hệ quản trị công ty - hiệu quả tài chính công ty trong các môi trường thể chế khác nhau. Cũng có những lời kêu gọi nên áp dụng phương pháp tiếp cận đa lý thuyết nhằm nắm bắt bản chất phức tạp của mối quan hệ quản trị công ty - hiệu quả tài chính công ty. Nghiên cứu này của chúng tôi chỉ ra rằng tác động của quản trị công ty đối với hiệu quả tài chính công ty là không rõ ràng vì các phát hiện thực nghiệm liên quan đến mối quan hệ này là không nhất quán trong các bối cảnh phân tích khác nhau. Có ý kiến cho rằng những phát hiện thiếu nhất quán như vậy về mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả tài chính công ty có thể là do sự khác biệt về thể chế quốc gia và sự không hoàn hảo của các kỹ thuật ước lượng. Một số nghiên cứu gần đây về quản trị công ty ủng hộ quan điểm cho rằng việc thực thi các cơ chế quản trị công ty ở một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi môi trường thể chế của quốc gia đó. Vì vậy, hiệu lực của các cơ chế quản trị công ty sẽ khác nhau giữa các quốc gia, hay nói cách khác, mang tính đặc thù của từng quốc gia. Điều này gợi ý rằng các nghiên cứu trong tương lai lấy bối cảnh so sánh giữa các quốc gia sẽ có thể cung cấp thông tin chi tiết và chuyên sâu hơn về mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả tài chính công ty. Chúng tôi đề xuất rằng các nghiên cứu so sánh về quản trị công ty xuyên quốc gia cũng cần tính đến tác động trung gian tiềm năng của các đặc điểm thể chế của quốc gia mà trong đó các công ty đang hoạt động.