Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn (XNM) đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ dân và diễn biến nồng độ mặn trong nước ở một số kênh nội đồng tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu chọn 3 vùng đại diện cho 3 hoạt động sinh kế cụ thể là xã Hưng Yên (vùng lúa-tôm), xã Đông Thái (vùng trồng lúa) và xã Nam Thái (vùng nuôi tôm) là vùng chịu tác động và vùng không chịu tác động của XNM. Mỗi xã phỏng vấn ngẫu nhiên 30 hộ, tổng cộng 90 hộ tham gia phỏng vấn với phiếu phỏng vấn soạn sẵn. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đáng kể đến các hộ trồng lúa ở 2 xã Hưng Yên và Đông Thái, với hơn 70% số hộ khảo sát ở từng xã bị ảnh hưởng. Đa số các hộ dân chưa có biện pháp nào hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các hộ nuôi tôm ở xã Hưng Yên và Nam Thái chưa bị ảnh hưởng đáng kể bởi xâm nhập mặn, số hộ bị ảnh hưởng ở mức nhẹ lần lượt ở từng xã là 8 hộ (26,7%) và 6 hộ (20%). Mẫu nước được thu từ các kênh nội đồng phân bố trên địa bàn ba thuộc huyện An Biên. Mẫu nước được thu 2 lần/ đợt (sáng và chiều trong ngày). Tổng cộng có 7 đợt thu mẫu từ tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 2017 để xác định độ mặn. Kết quả ghi nhận độ mặn trong nước kênh có xu hướng giảm dần theo thời gian trong năm, tuy nhiên, trong các đợt thu vào tháng 5 và tháng 6 độ mặn luôn trên 4%. Độ mặn trung bình trong nước kênh ở 2 xã Hưng Yên và Đông Thái (5,2%) thấp hơn xã Nam Thái (11,7%o). Kết quả này có thể làm cơ sở cho địa phương lập kế hoạch quy hoạch loại hình sinh kế thích hợp với độ mặn cho từng khu vực khảo sát trong nghiên cứu này