Nghiên cứu phát thải khí nhà kính (KNK) từ mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai trên đất phù sa tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong 2 vụ Đông Xuân năm 2018 và 2019), để đánh giá ảnh hưởng của mô hình canh tác lúa thông minh (CSA) đến phát thải khí nhà kính (KNK - CH và N2O) trên ruộng lúa. Nghiên cứu thực hiện lấy mẫu KNK từ đồng ruộng bằng phương pháp buồng kín tại mô hình canh lúa thông minh với khí hậu (mô hình CSA) và mô hình canh tác lúa theo truyền thống của nông dân tại địa phương (mô hình đối chứng - ĐC). Mỗi mô hình gồm 5 điểm thu mẫu KNK, 8 đợt thu mẫu được tiến hành theo các giai đoạn sinh trưởng chính của cây lúa và các lần bón phân. Những yếu tố khác biệt chính giữa 2 mô hình canh tác bao gồm liều lượng giống sử dụng, phương pháp quản lý nước và sử dụng phân bón. Kết quả tính toán phát thải cho thấy mô hình CSA phát thải thấp hơn 23,8% trong vụ Đông Xuân 2018 và 14,5% trong vụ Đông Xuân 2019 so với mô hình đối chứng. Việc áp dụng kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ được coi là yếu tố chính dẫn đến hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính của mô hình CSA so với mô hình đối chứng áp dụng phương thức ngập liên tục.