Mô tả kiến thức phòng và xử trí phơi nhiễm với vật sắc nhọn (VSN) trong tiêm truyền của điều dưỡng (ĐD) lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng năm 2021 và xác định một số yếu tố liên quan. Đối tượng và Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 318 ĐD lâm sàng đang làm việc tại bệnh viện. Kết quả: Trên 95% ĐD có kiến thức về đường lây truyền các virus qua đường máu (virus viêm gan B, virus HIV)
98,4% ĐD biết được phương pháp bẻ ống thuốc an toàn bằng gạc
85,5% ĐD biết phương pháp đậy nắp kim an toàn bằng phương pháp xúc một tay
95,6% ĐD biết cách xử trí vết thương sau phơi nhiễm VSN
76,4% ĐD nắm được thời gian điều trị dự phòng HBV/ HIV tốt nhất. Tỷ lệ ĐD có kiến thức đạt về phòng và xử trí phơi nhiễm VSN là 82,7% và chưa đạt là 17,3%. Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến thức chưa được ĐD nắm rõ: 60,4% ĐD chưa biết rõ mức chứa tối đa của hộp đựng VSN
65,7% ĐD cho rằng cần đậy nắp kim trước khi bỏ vào hộp an toàn
12,9% ĐD vẫn còn ngại báo cáo tổn thương do vật sắc nhọn. Yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê với kiến thức phòng ngừa và xử trí phơi nhiễm VSN của điều dưỡng bao gồm: giới tính, nhóm tuổi, trình độ chuyên môn, từng được đào tạo từ trước và tự tìm hiểu về phòng và xử trí phơi nhiễm vật sắc nhọn. Kết luận và Khuyến nghị: Điều dưỡng lâm sàng có kiến thức phòng và xử trí phơi nhiễm VSN trong tiêm truyền đạt tỷ lệ cao (đạt 82,7%) nhưng vẫn cần được củng cố và nâng cao. Do vậy, vẫn cần tăng cường đào tạo và tự đào tạo để nâng cao kiến thức và thực hành cho điều dưỡng về phòng và xử trí phơi nhiễm nói chung và vật sắc nhọn trong tiêm truyền nói riêng.