Mường La là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La 42 km về phía Đông Bắc có diện tích đất tự nhiên là 142.924 ha, mang đặc trưng của miền núi Tây Bắc. Địa bàn huyện là nơi có dân tộc La Ha sinh sống với 4.430 người (chiếm 4,53 %) tổng số dân của huyện. Để góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức về cây làm men rượu và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm men rượu của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nghiên cứu này tiến hành điều tra trong cộng đồng dân tộc La Ha ở huyện Mường La. Kết quả đã ghi nhận được 81 loài cây làm men rượu thuộc 66 chi, 43 họ trong ngành Ngọc lan. Các bộ phận được sử dụng làm men rượu đa dạng gồm lá, thân, củ, cả cây
quả và rễ và vỏ. Họ có nhiều loài nhất để làm men rượu là họ Lamiaceae (Hoa môi) với 7 loài. Có 18/43 họ thực vật có các loài cây chứa tinh dầu để làm men rượu. Dạng sống được sử dụng nhiều nhất là thân thảo với 33 loài tiếp đến là thân leo với 13 loài và thấp nhất là dạng cây bụi thấp với 3 loài. Sự phân bố các loài thực vật làm men rượu trên sinh cảnh rừng thứ sinh là nhiều nhất với 41 loài, chiếm 50,62%. Kế đến là ở vườn nhà là 35 loài, chiếm 43,21%
ở nương rẫy với 28 loài, chiếm 34,57%
thấp nhất là bờ khe suối với 8 loài, chiếm 9,88%. Đã xác định được 6 loài cây làm men rượu (chiếm 7,41 %) có nguy cơ bị đe dọa được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Đây là những loài có số cá thể còn ít nên cần có những chính sách ưu tỉên bảo tồn và phát triển.