Nghiên cứu được tiến hành trên cây xoài Cát Hòa Lộc 15 tuổi, mật độ trồng 270 cây/ha, hàng năm xử lý ra hoa bằng tưới Paclobutrazol (PBZ) vào đất với lượng 10 gr hoạt chất/gốc nhằm xác định được ảnh hưởng của biện pháp phân giải PBZ lưu tồn trong đất trồng xoài và lượng bón đạm, lân đến sinh trưởng, năng suất và phẩm chất xoài. Hai thí nghiệm được bố trí và thực hiện từ tháng 10/2019 - 10/2021. Thí nghiệm 1 nhân tố được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCBD) gồm 4 nghiệm thức (NT), 3 lần lặp lại, mỗi NT 9 cây, tổng số cây thí nghiệm 36 cây. Thời gian thí nghiệm từ 1/10/2019 - 1/7/2020. Thí nghiệm 2 gồm 8 nghiệm thức, bố trí theo kiểu ô lớn - ô nhỏ với 2 lượng bón đạm (yếu tố ô lớn): N1 - 1,0 kg N/cây và N2 - 1,2 kg N/cây và 4 lượng bón lân (yếu tố ô nhỏ): P1- 0,6 kg P2O5/cây, P2 - 0,8 kg P2O5/cây, P3 - 1,0 kg P2O5/cây và P4 - 1,2 kg P2O5/cây. Kết quả thu được cho thấy: (1) Sử dụng các loại phân bón có chứa hữu cơ kết hợp với vôi đã tăng cường hoạt động của vi sinh vật đất và nhờ đó đã phân giải được Paclobutrazol lưu tồn trong đất. Đặc biệt khi sử dụng các loại phân bón có chứa vi sinh vật, mức độ phân giải Paclobutrazol càng tăng và theo thứ tự như sau: Chế phẩm vi sinh vật tự ủ (phân giải 99,77% trong vòng 9 tháng) >
phân bón hữu cơ vi sinh BIMIX (96,95%) >
phân bò hoai (83,44%). Đồng thời đã làm tăng phát triển của bộ rễ cả theo chiều ngang lẫn chiều sâu cũng như khối lượng rễ và làm tăng năng suất xoài ở mức có ý nghĩa (29,78 tấn/ha khi bón phân bón hữu cơ vi sinh BIMIX và 31,30 tấn/ha khi bón chế phẩm vi sinh vật tự ủ)
(2) Lượng bón đạm, lân tạo ra sự khác biệt về số chùm quả/cây, kích thước quả, khối lượng quả
cho năng suất quả thực thu đạt cao nhất 39,96 tấn/ha ở nghiệm thức N2P4 (bón 1,2 kg N +1,2 kg P2O5/cây) trên nền bón 50 kg phân bò hoai + 1,1 kg vôi + 1,0 kg K2O/cây
cho lãi thuần cao hơn đối chứng 1.341,60 triệu đồng/ha, có tỷ lệ lãi thuần cao hơn đối chứng 61,02%.