Cùng với chính sách cai trị của Pháp, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam làm biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội. Bên cạnh giới tư bản Pháp đang làm chủ thị trường, thương nhân là người Hoa và Ấn Độ cũng tỏ ra hết sức năng động và giữ vai trò không nhỏ. Trong khi đó, người Việt vốn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên đã thích nghi chậm hơn, ít chú trọng đến thương mại và kĩ nghệ. Đầu thế kỉ XX, với sự chuyển biến tư tưởng của các sĩ phu cấp tiến, phong trào Duy Tân diễn ra rầm rộ và rộng khắp cả nước, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội trên mọi phương diện, trong đó đáng kể là sự tác động tích cực đến tư duy kinh tế của người Việt. Thông qua một số hoạt động cơ bản của phong trào Duy Tân, bài viết phân tích những tác động dẫn đến sự thay đổi tư duy kinh tế của người Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.