Hiện tượng nhiễu động phương Nam (El Nino - Southern Oscillation - ENSO) ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất lúa của Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. Ảnh hưởng thường xuyên của lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Liên hiệp các Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR Consortium) sau đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015 - 2016, mặc dù Nhà nước đã có các cảnh báo sớm nhưng công tác chuẩn bị và thích ứng của ngành nông nghiệp còn hạn chế. Để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu trong tương lai, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS SEA) đã phối hợp xây dựng và thử nghiệm lập các bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa (Climate-Smart Mapping and Adaptation Planning - CS MAP) cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.CS MAP được xây dựng cho hai kịch bản: năm bình thường và năm cực đoan (ENSO) bằng phương pháp tiếp cận có sự tham gia, sử dụng cơ sở dữ liệu săn có về địa hình, khí hậu, thủy văn, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm thực tế của nông dân, nhà khoa học và cán bộ địa phương. Kết quả cho thấy, CS MAP đã giúp xác định được những nguy cơ cả do tự nhiên và do yếu tố con người gây ra. Do CS MAP được tiến hành theo phương pháp có sự tham gia, mức độ nguy cơ thiên tai được xác định gần với thực tế. Cho tới nay, CS MAP đang được ứng dụng ở các mức độ khác nhau tại 13 tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù CS MAP được xây dựng và thử nghiệm cho lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng nó cũng có thể được áp dụng để xây dựng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng cho các cây trồng khác và các vùng sinh thái khác.