Dưới góc nhìn ngôn ngữ học, bài viết nghiên cứu đặc điểm thể, vần, nhịp trong dân ca Tày, qua ngữ liệu hát lượn, then, quan lang. Thể gồm hai loại: thể 7 tiếng, thể hỗn hợp. Chiếm ưu thế nhất là thể 7 tiếng, được sử dụng chủ yếu ở những bài đối đáp trong lượn, quan lang. Sau đó là thể hỗn hợp, được sử dụng nhiều trong then. Chủ yếu gieo vần lưng trong cả hai thể: 7 tiếng, hỗn hợp, hiếm khi gặp vần chân (chỉ gặp một số ít bài trong lượn). Nhịp dân ca Tày phong phú với những điểm ngắt giọng đặc trưng. Ngắt nhịp vừa là nhịp ngữ nghĩa vừa là nhịp ngữ âm, có cả nhịp chẵn, có cả nhịp lẻ. Nhịp chẵn trong những câu có số tiếng chẵn thường là 2-2
2-2-2
4-4, 2-2-2-2... và nhịp lẻ trong những câu có số tiếng lẻ thường là 3-2-2, 3-4
3-2... Nghiên cứu các đặc điểm về thể, vần, nhịp của lượn, quan lang, then cho thấy sự khác biệt giữa ba loại này không phải là nhiều, chủ yếu là ở thể và là sự khác biệt giữa then với lượn và quan lang. Đó là đặc trưng của loại "hát nói" (còn gọi là "hát kể").