Mùa khô năm 2019, đoàn khảo sát thực địa của đề tài TN17/T06 đã phát hiện hàng loạt di sản kép, chứa đồng thời cả hai giá trị di sản địa chất và khảo cổ tiền sử, dọc thung lũng cổ sông Ba. Các di tích khảo cổ được tìm thấy ngay tại các điểm di sản địa chất như các thác nước, các điểm hóa thạch, các thềm sông cổ và trên các sườn núi thấp dọc thung lũng cổ sông Ba, thuộc các thành tạo eluvi, deluvi, proluvi và aluvi tuổi Pleistocen. Hàng trăm công cụ đá, trong đó có hàng chục công cụ chế tác từ gỗ hóa thạch đã được sưu tầm, bao gồm: công cụ ghè một mặt và ghè hai mặt, công cụ chặt thô rìa dọc, côn cụ chặt thô rìa ngang, công cụ nạo, công cụ mũi nhọn, công cụ mảnh tước và công cụ hạch, v.v. Chất liệu các công cụ làm từ thạch anh, quartzit, đá silic, opal-chalcedon, đá sừng, gỗ hóa thạch và đá basalt, cũng chính là những loại đá đã được xác lập là di sản địa chất (kiểu A- Cổ sinh, kiểu D- Đá, kiểu F- Khoáng vật, khoáng sản theo phân loại di sản địa chất quy định trong Thông tư số 50/2017/TT BTNMT của Bộ TNMT) có giá trị của khu vực di sản. Đặc trưng kỹ nghệ và kiểu dáng của các công cụ đá sưu tầm được tiêu biểu cho thời đại Đá cũ. Những phát hiện khảo cổ mới này đã được các chuyên gia khảo cổ trong nước và quốc tế đánh giá rất cao, vì đã bổ sung nguồn tư liệu khảo cổ rất có giá trị để nghiên cứu giai đoạn tiền sử Đá cũ ở tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam, Đông Nam Á nói chung, đồng thời nâng cao giá trị tổng thể về di sản của khu vực và cung cấp nguồn tài nguyên di sản kép (di sản thiên nhiên và di sản văn hóa) quý giá cho khai thác du lịch và phát triển bền vững kinh tế xã hội.