Xử lý nhiệt-cơ là một kỹ thuật cải thiện tính chất của gỗ, như: tăng độ bền tự nhiên và tăng độ ổn định kích thước. Sự thay đổi chất lượng gỗ sau xử lý có thể ảnh hưởng đến khả năng liên kết của chất kết dính với gỗ ở các khía cạnh khác nhau: độ bám dính, thời gian ép, quá trình đóng rắn, đặc tính của màng keo... Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của loại chất kết dính và lượng trải keo đến độ bền dán dính của keo với gỗ Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla) được xử lý biến tính bằng phương pháp nhiệt-cơ. Ba loại keo: Prefere 6191/6601, Synteko 1985/1993 và PRF 1734/2734 với ba lượng trải keo khác nhau cho mỗi chất dính: 200 g/m2, 250 g/m2 và 300 g/m2 đã được sử dụng trong nghiên cứu. Độ bền dán dính được kiểm tra theo tiêu chuẩn EN 205:2003-D4, độ bong tách màng keo được kiểm tra theo tiêu chuẩn JAS1152:2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với cùng một loại keo và cùng một lượng trải keo, gỗ biến tính có độ bền kéo trượt màng keo nhỏ hơn và độ bong tách màng keo lớn hơn so với gỗ chưa biến tính. Loại keo dòng emulsion polymer isocyanate (Prefere 6191/6601 và Synteko 1985/1993) có độ bền dán dính thấp hơn so với keo phenol resorcino formaldehyde (PRF 1734/2734). Đối với keo Prefere 6191/6601và keo Synteko 1985/1993 độ bền dán dính tăng rõ nét khi lượng trải keo tăng từ 200 g/m2 lên 250 g/m2 và độ bền dán dính tăng với mức độ ít hơn khi lượng trải keo tăng từ 250 g/m2 lên 300 g/m2. Trong khi đó, độ bền dán dính của keo PRF 1734/2734 tăng rõ nét khi lượng trải keo tăng từ 200 g/m2 lên 300 g/m2.