Nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng kháng thể IgG kháng độc tố bạch hầu của trẻ em tại tỉnh Kon Tum, năm 2020. Sử dụng kỹ thuật miễn dịch gắn enzyme (ELISA) để định lượng nồng độ kháng thể kháng độc tố bach hầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong tống số 662 trẻ tham gia nghiên cứu, có 33,1% trẻ không có kháng thể bảo vệ
6,3% trẻ có kháng thể bảo vệ một phần và 60,6% trẻ có kháng thể bảo vệ đầy đủ. Tỷ lệ trẻ em gái (63,6%) có kháng thể bảo vệ đầy đủ cao hơn trẻ em trai (57,5%). Tỷ lệ có kháng thể bảo vệ đầy đủ ở nhóm tuổi 0 - 5 là 62,6%, sau đó giảm nhẹ ở các nhóm tuổi tiếp theo. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tình trạng miễn dịch giữa nhóm trẻ đã được tiêm và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu (p≤0,001). Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm kiểm soát sự bùng phát dịch bạch hầu ở trẻ em nói riêng và cộng đồng dân cư tại tỉnh Kon Tum nói chung trong thời gian tới.