Từng là nơi cư trú của cả người Nhật, người Hoa và người Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XVII, Hội An ngày nay được biết đến trước hết là một bảo tàng sinh động về những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của những nền văn hoá khác nhau, trong khuôn khổ của nền văn minh Hán hoá. Vào đấu thế kỷ XX, với sự xuất hiện của người Pháp, Hội An lại trở thành điểm gặp gỡ giữa văn minh Phương Đông và văn minh Phương Tây. Dưới góc độ kiến trúc, cuộc gặp gỡ này chẳng những làm bộc lộ những tương đồng và dị biệt giữa hai nền văn minh mà còn tạo nên sự kết hợp giữa những gì xa nhau nhất trong quan niệm, cũng như trong kỹ thuật. Đó là lý do vì sao, Hội An có thể được xem là một trong những nơi hội tụ của những giá trị văn hoá tiêu biểu khác nhau trên thế giới. Vốn đã là một địa danh được xếp hàng đầu về sức lôi cuốn khách du lịch, Hội An càng trở nên sầm uất hơn từ khi khu phố cổ của nó được tôn vinh là di sản văn hoá thế giới. Sự tăng trưởng về kinh tế du lịch cũng đi liền với những thách thức to lớn, đó là phải phát triển đô thị ra sao để không làm phương hại đến việc bảo tồn di sản.,