So sánh hiệu quả chẩn đoán di căn xương bằng chụp xạ hình xương (BS) với Technetium-99m methylene diphosphonate (Tc-99m MDP) và chụp cắt lớp vi tính (CT) ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) có nghi ngờ di căn xương. Phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu trên 57 bệnh nhân HCC. Độ chính xác của BS và CT được xác định bằng cách so sánh với kết quả di căn tiến triển và chỉ định điều trị giảm nhẹ sau đó. Kết quả: Nghiên cứu này bao gồm 48 nam và 9 nữ, tuổi trung bình 60,5 ± 12,9. Lý do chụp xạ hình xương: tầm soát di căn (54,4%), đau xương: 29,8%, yếu chi: 14%, sờ thấy khối trên thành ngực: 1,8%. Tỉ lệ phát hiện di căn xương bằng BS (45,6%) cao hơn so với CT (29,8%), p = 0,001. Có 23 vùng di căn trên CT, có xu hướng phát hiện tốt hơn ở cột sống: 14/23, xương chậu: 5/23 và 45 vùng trên BS, có xu hướng phát hiện tổn thương tốt hơn ở cột sống: 19/45, xương sườn: 12/45. Theo kết quả theo dõi và điều trị giảm nhẹ bằng SBRT, phát hiện tổn thương xương di căn bằng CT: độ nhạy 72,2%, độ đặc hiệu 89,7%, giá trị dự đoán dương tính: 76,5%, giá trị dự đoán âm tính 87,5%, độ chính xác 84,2%
phát hiện tổn thương xương di căn bằng bằng BS: độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 79,5%, giá trị dự đoán dương tính 69,2%, giá trị dự đoán âm tính 100%, độ chính xác 86,0%. Kết luận: Chụp xạ hình xương có độ chính xác tốt hơn so với chụp cắt lớp vi tính trong việc phát hiện tổn thương xương do HCC di căn, nhưng để xác định di căn xương, hỏi bệnh cẩn thận, khám lâm sàng kĩ và thực hiện nhiều phương pháp chụp xương là rất quan trọng.