Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị viêm phổi trên trẻ suy dinh dưỡng cấp từ 2 tháng đến 5 tuổi. Xác định mối liên quan giữa mức độ nặng suy dinh dưỡng cấp với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích thực trên 72 trẻ viêm phổi từ 2 tháng đến 5 tuổi có suy dinh dưỡng cấp. Kết quả: Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất bao gồm thở nhanh (97,2%), rút lõm ngực (63,9%), bú kém hoặc ăn uống kém (58,3%), rale ở phổi (88,9%). Đặc điểm cận lâm sàng với bạch cầu ≥15.000/mm3 (66,7%), bạch cầu trung tính ≥60% (41,7%), CRP ≥10 mg/L (61,1%). Mức độ nặng SDD cấp liên quan có ý nghĩa thống kê với bú kém (p=0,002), tím tái (p=0,002), phối hợp kháng sinh (p<
0,0001), hỗ trợ hô hấp (p=0,028), nuôi ăn nhân tạo (p=0,001), chuyển khoa HSTC (p=0,001), thời gian nằm viện >
10 ngày (p=0,005). Chưa có sự liên quan giữa mức độ nặng SDD cấp với triệu chứng thở nhanh (p=0,408), rút lõm ngực (p=0,777), số lượng bạch cầu (p=0,248), tỷ lệ bạch cầu trung tính (p=0,783), CRP (p=0,094). Kết luận: Trẻ suy dinh dưỡng cấp nặng mắc viêm phổi nặng cao hơn trẻ suy dinh dưỡng cấp vừa (p<
0,0001). Mức độ nặng suy dinh dưỡng cấp có liên quan với đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị. Do đó, cần đặt vấn đề đánh giá, phát hiện và điều trị kịp thời suy dinh dưỡng cấp có thể làm giảm tình trạng nghiêm trọng của bệnh.