Dùng nội soi để tầm soát, chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng (ĐTT) nhằm góp phần giảm thiểu tỷ lệ ung thư ĐTT cũng như điều trị cho bệnh nhân có polyp ĐTT lành tính. Đối tượng: Các bệnh nhân có triệu chứng của đường tiêu hóa dưới. Phương pháp: Tiến cứu, mô tả cắt ngang tại bệnh viện Nhật Tân, An Giang trong 1 năm (từ 10/2020 đến 9/2021). Kết quả: 440 bệnh nhân được nội soi và phát hiện 113 bệnh nhân có polyp, tỷ lệ 25,7%. Bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa dưới đến nội soi ĐTT chiếm tỷ lệ 39,3% so với không xuất huyết 16,4%, p<
0,05 với OR=3,3 (KTC95%: 2,1-5,1). Thời gian xuất hiện triệu chứng ở người có polyp đến nội soi ĐTT sớm <
6 tháng chiếm 67,6% so với người không có 32,4%, p<
0,05, với OR=0,13 (KTC95%, 0,06-0,30). Số bệnh nhân có 1 polyp đơn độc là 41 (36,3%), các bệnh nhân khác có >
2 polyp, bình quân 1 bệnh nhân có 2 polyp. Vị trí của polyp: 7 (6,2%) bệnh nhân có nhiều polyp rải khắp ĐTT, 36 (31,9%) ở đại tràng phải và 70 (61,9%) ở đại tràng trái. Có 12 bệnh nhân chẩn đoán qua nội soi có nguy cơ ác tính 12/18 chiếm 66,7% so với chẩn đoán giải phẫu bệnh là 57/95 bệnh nhân chiếm 60,0%, p>
0,05. Kết quả chẩn đoán polyp qua nội soi cho thấy khi so sánh với nghiệm pháp "chuẩn vàng" là giải phẫu bệnh lý, thì nội soi PĐTT chỉ đạt giá trị độ nhạy rất thấp (17,4%) và giá trị dự báo âm tính là 40%. Kết luận: Bệnh nhân có polyp thường đến nội soi sớm hơn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa. Chẩn đoán qua nội soi ĐTT dễ bỏ sót các polyp có nguy cơ ác tính và giải phẫu bệnh luôn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán polyp ĐTT.