Trong nghiên cứu xã hội học, có rất nhiều lý thuyết được vận dụng trong quá trình nghiên cứu các vấn đề xã hội. Một trong các lý thuyết đó là thuyết Tương tác biểu trưng. Đây là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội đề cập tới với rất nhiều hướng tiếp cận, ở nhiều góc độ khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ tập trung tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của thuyết Tương tác biểu trưng khi ứng dụng nghiên cứu vai trò của phụ nữ đối với hoạt động phát triển cộng đồng tại Đông Ngạc - Hà Nội. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy khi ứng dụng lý thuyết Tương tác biểu trưng đối với cả nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực nghiệm là hoàn toàn phù hợp và logic, có ý nghĩa, điều này được kiểm chứng qua một chuỗi các hành vi, sự tương tác của phụ nữ với các thành viên trong gia đình và ngoài cộng đồng của họ. Ngoài ra, hình tượng của người phụ nữ trong cộng đồng cũng được ứng dụng thông qua các biểu tượng trong lý thuyết mà ở đó họ tự nhận thấy mình cần có để đáp ứng sự mong đợi của xã hội. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về mặt thực nghiệm khi ứng dụng lý thuyết Tương tác biểu trưng cũng được thể hiện bằng hành động, kết quả thực hiện được thông qua các vai trò phụ nữ đảm nhận, đặc biệt đó là sự tương tác của họ với các cá nhân khác trong cộng đồng.