Trong một số bệnh động kinh di truyền, mối liên hệ kiểu gen - kiểu hình có thể rất phức tạp trong đó các biến thể trên cùng 1 gen có thể gây ra các kiểu hình khác nhau. Một ví dụ điển hình là các biến thể gây bệnh trên gen KCNQ2 đã được công bố trong cả bệnh động kinh sơ sinh tự giới hạn có tính chất gia đình (hoặc không gia đình) cũng như trong bệnh não động kinh khởi phát sớm. Cả hai nhóm động kinh trên tuy có tiên lượng rất khác nhau về cả động kinh và phát triển nhưng đều thường biểu hiện bởi co giật sơ sinh trong tuần đầu tiên. Ca lâm sàng: Bệnh nhi được sinh sau quá trình mang thai và chuyển dạ bình thường, nhưng bắt đầu có các cơn co cứng vào ngày thứ 2 sau sinh. Gia đình không có tiền sử co giật hay động kinh. Trong giai đoạn đầu (từ lúc khởi phát co giật đến lúc 6 tháng tuổi), bệnh nhi biểu hiện các đặc điểm lâm sàng-điện não khá tương tự bệnh não động kinh bao gồm bất thường điện não rõ nét, đáp ứng điều trị kém, giảm trương lực, chậm phát triển vận động nhẹ. Tuy nhiên, từ 4 tháng tuổi, bệnh nhi hết dần co giật và thăm khám lúc 20 tháng tuổi cho thấy bệnh nhi đạt mức phát triển tâm thần vận động trong ngưỡng bình thường. Do đó, chẩn đoán về sau của bệnh nhi phù hợp hơn với động kinh sơ sinh tự giới hạn không có tính chất gia đình. Giải trình tự toàn bộ vùng mã hóa và kiểm tra lại bằng Sanger cho thấy bệnh nhi mắc một đột biến phát sinh mới dạng dị hợp c.1030T>
G (p.Trp344Gly) trên gen KCNQ2. Đột biến này chưa từng được công bố trước đó. Kiểm tra trên bố mẹ cho thấy đây là đột biến phát sinh mới. Đột biến này được phân loại là ``có thể gây bệnh'' theo tiêu chuẩn phân loại của Hiệp hội Di truyền Y học Hoa kỳ., Kết luận: Bài báo cáo ca mô tả 1 ca động kinh sơ sinh tự giới hạn không có tính chất gia đình, một nhóm bệnh động kinh hiếm gặp trong đó bệnh nhi mắc một đột biến mới chưa được công bố trên gen KCNQ2. Ca báo cáo lưu ý rằng trong giai đoạn khởi phát, động kinh sơ sinh tự giới hạn có thể biểu hiện giống với bệnh não động kinh. Mối liên hệ kiểu gen-kiểu hình phức tạp của bệnh động kinh liên quan đến gen KCNQ2 và tư vấn di truyền liên quan đến ca bệnh cũng được thảo luận.