Bài báo trình bày kết quả tổng hợp vật liệu cacbon từ tính giàu cacboxylat (Fe3O4@CRC) và sử dụng vật liệu này để hấp phụ ion niken (Ni(II)) và xanh methylen (MB) trong dung dịch nước. Fe3O4@CRC được tổng hợp bằng phương pháp cacbon hóa ở nhiệt độ thấp hỗn hợp gồm sắt (III) clorua và natri gluconat. Các đặc trưng của vật liệu Fe3O4@CRC được xác định bằng nhiều phương pháp khác nhau (XRD, FTIR, FE-SEM, TEM, EDX, VSM, BET) trước khi khảo sát khả năng hấp phụ. Ảnh hưởng của các yếu tố hấp phụ như pH, nồng độ ban đầu, thời gian tiếp xúc, liều lượng chất hấp phụ và nhiệt độ đã được nghiên cứu chi tiết. Kết quả cho thấy Fe3O4@CRC có khả năng hấp phụ cao đối với MB và Ni(II) với dung lượng hấp phụ cực đại lần lượt là 187.26 mg/g và 106.75 mg/g. Sự hấp phụ của MB và Ni(II) trên Fe3O4@CRC là quá trình tự phát, thu nhiệt và được mô tả tốt nhất với mô hình động học bậc một, mô hình đẳng nhiệt Freundlich (đối với MB) và Langmuir (đối với Ni(II)). Ngoài ra, Fe3O4@CRC duy trì tốt khả năng hấp phụ qua nhiều lần tái sử dụng. Với khả năng hấp phụ cao, tổng hợp dễ dàng cùng với khả năng thu hồi và tái sử dụng cao, Fe3O4@CRC có thể trở thành chất hấp thụ tiềm năng để xử lý các ion kim loại nặng và phẩm màu nhuộm trong nước thải.