Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là vấn đề đang được xã hội quan tâm bởi những diễn biến phức tạp cũng như về quy mô ngày càng lớn. Hiện nay, pháp luật của Việt Nam đã có quy định cụ thể về lãi suất vay tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, cho phép các bên trong giao dịch dân sự được phép thỏa thuận nhưng có quy định mức lãi suất cao nhất. Tuy nhiên, việc vi phạm quy định này vẫn đang diễn ra. Để xử lý hình sự về hành vi cho vay lãi nặng thì phải xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thu lợi bất chính này. Bên cạnh đó, để xử lý đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định cụ thể tại Điều 201 về hành vi cũng như chế tài nhằm mục đích giáo dục, răn đe các đối tượng. Mặc dù đã có chế tài hình sự nhưng việc áp dụng quy định tại Điều 201 vẫn còn những vướng mắc như chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự, vướng mắc khi thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội... Do đó, cần có những hướng dẫn, giải pháp về pháp luật sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng, sửa đổi luật để áp dụng quy định của pháp luật khi xử lý tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Mặt khác, giải pháp về thực tiễn cho việc quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ giải quyết để nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tế.