Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế ủng hộ hai phương pháp gộp mẫu là gộp que phết và gộp dịch. Phương pháp gộp dịch thể hiện một số ưu điểm trội hơn phương pháp gộp que như không cần tái lấy mẫu để giải gộp
hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo và kết quả xét nghiệm không đồng nhất. Tuy có nhiều ý nghĩa, phương pháp gộp dịch cần được xác định giá trị sử dụng trước khi triển khai một cách thận trọng. Nghiên cứu này được thực hiện xác định mức độ ảnh hưởng của việc pha loãng đến tính chính xác của xét nghiệm và số lượng mẫu gộp tối ưu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thực nghiệm, kiểu thu thập dữ liệu tiến cứu trên Bộ sinh phẩm PureLink™ Viral RNA/DNA Mini Kit (Invitrogen, Hoa Kỳ), bộ sinh phẩm TaqPath™ COVID‑19 CE‑IVD RT‑PCR Kit (ThermoFisher, Hoa Kỳ) và mẫu phết tỵ hầu SARS-CoV-2 trong dung dịch VTM. Kết quả: Kết quả RT-qPCR ở nhóm mẫu có tải lượng vi-rút cao và trung bình (Ct <
30) ở gộp mẫu 5 và 10 có độ tương đồng chẩn đoán dương với mẫu đơn là 100%, trong khi đó ở mẫu có tải lượng vi-rút thấp (Ct >
30) thì gộp mẫu 5 là 100% còn gộp mẫu 10 giảm còn 80%. Độ chênh lệch Ct trung bình cả ba gen ở bộ gộp mẫu 5 là 2.05 95% CI, 1.93 - 2.16), còn gộp mẫu 10 là 2.87 (95% CI, 2.63 - 3.11). Trong thí nghiệm giả lập việc gộp ngẫu nhiên, độ tương đồng chẩn đoán dương SARS-CoV-2 ở cả hai phương thức gộp 5 và gộp 10 là 100% khi so với mẫu đơn. Kết luận: Phương pháp gộp mẫu dịch có độ tin cậy cao trong chẩn đoán SARS-CoV-2. Việc áp dụng rộng rãi phương pháp này hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích vì hiệu quả cao trong công tác sàng lọc và chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-qPCR.