Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá độc lực, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường lên sinh trưởng của Aeromonas hydrophila và biến đổi mô bệnh học trên cá rô phi. Các chủng vi khuẩn phân lập từ cá nghi nhiễm thu từ các ao/lồng nuôi ở một số tỉnh miền Bắc sau khi được định danh bằng phương pháp sinh hóa, PCR và phân tích trình tự gen đặc hiệu 16S rRNA, House keeping (gen nội chuẩn - gyrB) được sử dụng để cảm nhiễm cho cá rô phi và đánh giá ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên sự phát triển của chúng. Kết quả cho thấy, liều gây chết 50% (LD50) cá thí nghiệm của A. hydrophila trung bình là 4,6×105 CFU/cá, cá cảm nhiễm thể hiện các dấu hiệu bệnh giống khi mắc bệnh tự nhiên (xuất huyết gốc vây, da, hậu môn, xuất huyết và tổn thương các nội quan như: gan, thận, lách, ruột). Các đặc điểm bệnh lý vi thể gồm mang tăng sinh, xuất huyết, mô nội quan như gan, thận, lách xung huyết, xuất huyết và thoái hóa, não xâm nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Các chủng vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh trên cá rô phi có sức kháng rất mạnh với yếu tố bất lợi trong môi trường nuôi, chúng có thể tồn tại và phát triển ở khoảng nhiệt rộng (15-45°C), độ mặn 0-60‰, pH 5-10. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học nhằm xây dựng chiến lược và hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh do A. hydrophila cho cá rô phi nói riêng và các loài cá nước ngọt nói chung.