Bấc thấm là một loại vật liệu giúp đẩy nhanh vai trò cố kết của đất yếu. Công nghệ xử lý đất yếu bằng bấc thấm kết hợp với gia tải trước được sử dụng rất rộng rãi ở các khu vực trong và ngoài nước. Trong vai trò xử lý nền đất yếu, bấc thấm có chức năng đẩy nhanh tốc độ cố kết và một phần làm tăng sức kháng cắt của nền đất yếu. Cho đến nay bấc thấm được sản xuất từ các loại vật liệu nhựa dẻo (polymeric prefabricated vertical drain), do đó gần đây có những mối quan tâm đáng kể đến ảnh hưởng của chúng đến môi trường trong lớp đất và mực nước ngầm phía dưới công trình xây dựng. Trong bài báo này, nhóm tác giả đề xuất sử dụng một loại vật liệu tự nhiên phế thải như vật liệu sợi sơ dừa để làm chức năng thoát nước thẳng đứng như các loại bấc thấm thông thường đang sử dụng. Đề xuất nghiên cứu này nhằm mục đích tận dụng những vật liệu có sẵn, phổ biến ở Việt Nam, khả năng phân hủy sinh học cao, qua đó cải thiện môi trường trong đất gia cố. Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ thực hiện một số thí nghiệm cố kết của trụ đất trong phòng với những điều kiện cố kết khác nhau như: trụ đất có gia cố bấc thấm thông thường, gia cố bấc thấm bằng sợi sơ dừa và trụ đất còn lại không có gia cố. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng, vật liệu phế thải sơ dừa có thể sử dụng để thoát nước tốt như vật liệu bấc thấm bằng nhựa dẻo hiện tại. Kết quả nghiên cứu làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo cho việc sử dụng bấc thấm thiên nhiên trong điều kiện sản xuất và áp dụng tại Việt Nam.