Nghiên cứu này đã xác định được một số đặc điểm cấu tạo và độ rỗng của gỗ Keo tai tượng (Acacia mangium Willd.) 9 tuổi, được khai thác tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc làm cơ sở phân tích ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển ẩm và các hiện tượng khi sấy. Các mô tả được thực hiện khi quan sát ảnh hiển vi quang học (OM) và ảnh hiển vi điện tử quét (SEM) được chụp ở 3 mặt cắt ngang, xuyên tâm và tiếp tuyến. Kết quả cho thấy cấu tạo mạch phân tán và màng lỗ thông ngang trên các tế bào không có nút, luôn tồn tại các lỗ mở làm cho chênh lệch thấm dẫn giữa gỗ sớm - gỗ muộn và giữa các thành phần gỗ theo hướng xuyên tâm khi sấy là không có. Mạch đơn hoặc kép 2, kép 3 là điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển ẩm theo chiều dọc thớ. Lỗ mạch có đường kính theo hướng tiếp tuyến là 88 - 200 µm, có số lượng 5 - 8 lỗ/mm². Lỗ xuyên mạch đơn, có gờ mỏng tạo điều kiện thuận lợi cho ẩm vận chuyển dọc thớ. Tỷ lệ giữa đường kính ruột trên độ dày vách tế bào sợi gỗ là 4,09. Đây là lý do dẫn đến mức độ mo móp của gỗ Keo tai tượng khi sấy rất lớn. Cấu tạo tế bào mô mềm dọc và tia gỗ đã được xác định, chúng không ảnh hưởng nhiều đến vận chuyển ẩm nhưng là một cơ sở để giải thích các khuyết tật khi sấy. Chất tích tụ màu nâu đỏ trong ống mạch, trong tia gỗ và tinh thể hình lăng trụ nằm trong tế bào mô mềm dọc làm cản trở quá trình vận chuyển ẩm. Việc tính toán độ rỗng của sợi gỗ và lỗ mạch được thực hiện thông qua việc xác định diện tích lỗ rỗng trên diện tích ảnh bằng phần mềm ImageJ để dự đoán tốc độ sấy. Độ rỗng sợi gỗ 37,06 ± 3,96%, độ rỗng lỗ mạch 16,03 ± 1,23% và tổng độ rỗng 47,15% là một đặc điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sấy của gỗ