Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ dẫn đến nhập viện và tử vong, nguyên nhân do nhiễm trùng 70-80%. Việc đánh giá vi sinh giúp lựa chọn đúng kháng sinh trong điều tri bệnh là rất quan trọng và có ý nghĩa lâm sàng. Mục tiêu nghiên cứu: 1. Mô tả đặc điểm tác nhân vi khuẩn gây đợt cấp trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang năm 2020. 2. Khảo sát một số yếu tố liên quan đến nhiễm một số chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 400 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mắc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện điều trị tại khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang năm 2020. Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS. Kết quả: Vi khuẩn gram âm 79,71%. Vi khuẩn thường gặp là Klebsiella ssp. (27,54%) kháng cao với cephalosporin
chủng Pseudomonas ssp. (20,29%) kháng cao với gentamycin và nhóm carbapenem
Acinetobacter baumannii (17,39%) kháng với ciprofloxacin và nhóm cephalosporin. Vi khuẩn gram dương có Streptococcus pneumonia (11,59%) kháng cao với nhóm betalactam.Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ nhiễm khuẩn là bệnh nhân không hút thuốc sẽ giảm nguy cơ nhiễm chủng Klebsiella spp. (OR =0,02, p = 0,016 ). Nguy cơ nhiễm chủng Pseudomonas spp. giảm khi không mắc kèm bệnh tăng huyết áp (OR = 0,067, p = 0,040), đái tháo đường týp 2 (OR = 0,11, p = 0,011), bệnh lao phổi cũ (OR = 0,11, p = 0,003). Kết luận: Nhiễm khuẩn trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vi khuẩn gram âm chiếm đa số. Vi khuẩn thường gặp là Klebsiella ssp., Pseudomonas ssp., Streptococcus ssp., Acinetobacter baumannii. Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ nhiễm khuẩn như hút thuốc, mắc kèm bệnh lao phổi cũ, tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2.