Không giống với các nghiên cứu trước đây về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX nói chung và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ nói riêng, bài viết này tập trung vào nhân vật Nguyễn Trọng Thuật, một nhân vật nổi bật nhưng lại ít được các nhà nghiên cứu biết đến. Trên cơ sở khai thác các bài viết của Nguyễn Trọng Thuật đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ, đặc biệt là các tác phẩm truyện và tiểu thuyết, bài viết làm sáng tỏ những điểm độc đáo của cây bút Nguyễn Trọng Thuật trên phương diện Phật học để từ đó giúp độc giả thấy được những cống hiến của ông đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ. Sử dụng biệt tài văn chương kết hợp với trình độ Phật học uyên thâm, Nguyễn Trọng Thuật đã sáng tác nên những tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết để truyền tải giáo lý Đạo Phật một cách sinh động, gần gũi và dễ hiểu. Từ những tác phẩm này, người đọc sẽ hình dung một cách cụ thể cách thức thực hành ''tu tại gia'', ''Phật tại tâm''. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trọng Thuật còn dùng triết lý Phật giáo để giải quyết những vấn đề xã hội thời đó. Từ những khía cạnh này, độc giả sẽ có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của ông trong phong trào chấn hưng Phật giáo trên đất Bắc cũng như thấy được tính sáng tạo và tư duy độc lập của người Việt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.