Mục tiêu của luật và chính sách cạnh tranh đóng vai trò định hướng cho quán trình thực thi lẫn xây dựng pháp luật. Dù vậy, Việt Nam đã hai lần bỏ qua việc xác định mục tiêu này khi thông qua Luật cạnh tranh năm 2004 và 2018. Kiểm soát sáp nhập trên thực tế vì vậy cũng khá lúng túng. Tiếp nối những tranh luận học thuật lâu nay, bài viết mở ra hướng tiếp cận so sánh với các nền pháp lý khác. Không phải pháp luật cạnh tranh sớm nhất châu Á là Nhật Bản hay nền pháp luật lớn và mới là Châu Âu mà luật chống độc quyền Hoa Kỳ đóng vai trò đưa ra hướng tiếp cận cơ bản cho vấn đề này. Kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam có thể duy trình mô hình đa mục tiêu cùng với việc nhấn mạnh nhóm lợi ích ưu tiên cho luật cạnh tranh. Bỏ qua tiếp cận về cạnh tranh tự do và bình đẳng hay cạnh tranh khả thi, phân tích hướng đến cạnh tranh hiệu quả dựa trên tiếp cận chính yếu của châu Âu. Đặc biệt, quá trình thực thi chỉ thật sự hiệu quả khi các chính sách thúc đẩy cạnh tranh khác được định vị một cách rõ ràng. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp, dù có kết nối quan trọng với chính sách cạnh tranh, không phải sẽ luôn hỗ trợ cho quá trình thực thi luật cạnh tranh. Kinh nghiệm lịch sử của Nhật Bản sẽ giới thiệu định hướng phù hợp trong xử lý mối quan hệ phức tạp giữa hai chính sách vừa có sự xung đột vừa có tính tương hỗ này. Đây là những gợi ý góp phần cho việc pháp điển hóa pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam.