Khảo sát đặc điểm vi sinh, đặc điểm sử dụng kháng sinh và kết quả điều trị của bệnh nhân viêm túi mật trước và sau khi có chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên tất cả hồ sơ bệnh án của rbệnh nhân được chẩn đoán viêm túi mật tại một bệnh viện hạng nhất Thành phố Hồ Chí Minh từ 10/2018-3/2019 (giai đoạn 1, trước khi có chương trình quản lý sử dụng kháng sinh) và 10/2019 – 3/2020 (giai đoạn 2, có áp dụng các biện pháp trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh). Sự hợp lý của kháng sinh được đánh giá dựa trên phác đồ của Bộ Y tế, SIS 2017, Tokyo guidelines 2018. Đánh giá hiệu quả của chương trình bằng cách so sánh tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý và kết quả điều trị. Kết quả: Có 104 bệnh nhân (giai đoạn 1) và 83 bệnh nhân (giai đoạn 2) được đưa vào nghiên cứu. Tuổi trung vị của mẫu nghiên cứu là trên 60 tuổi, nam giới chiếm 51-53%. Các chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là E. coli (51,7%) và K. pneumoniae (27,6%), với tỷ lệ phát triển đề kháng kháng sinh của K. pneumoniae cao hơn E. coli. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý ở giai đoạn 2 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với giai đoạn 1 (80,7% so với 66,3%, p = 0,04). Kết quả điều trị khỏi ở cả 2 giai đoạn đều là 100%. Kết luận: Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện giúp làm gia tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị viêm túi mật.