Vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là địa bàn sinh sống lâu đời của gần 20 tộc người bản địa, thuộc về hai dòng ngôn ngữ Môn Khơme (Cơ tu, Ba na, Xơ đăng, Mnông, Mạ, Xtiêng...) và Maylayô - Pôlynêxia (Gia rai, Ê đê, Churu, Raglai). Xưa kia, chỉ có các tộc người này là chủ nhân của xứ sở rừng núi và cao nguyên rộng lớn, về sau được gọi là Trường Sơn - Tây Nguyên. Ngày nay, ở nhiều nơi, họ trở thành cư dân thiểu số, bởi những người từ nơi khác di cư tới, đa phần là người Kinh. Cư dân bản địa nơi đây sở hữu nền văn hóa đặc sắc, phong phú, vừa có tính tương đồng trong cả vùng, vừa có sự đa dạng giữa các địa phương, các tộc người... Chính vì vậy, các nhà văn hóa học đã phân định đây là một vùng văn hóa của Việt Nam với những đặc trưng cấu trúc không gian sinh sống hết sức khác biệt.