Sự xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang gây hại nghiêm trọng đến năng suất của cây trồng, trong đó có cây chanh không hạt. Các muối, chủ yếu là sodium chloride, trong đất nhiễm mặn gây ra stress nước cho rễ, dẫn đến lão suy lá và làm chết cây. Do đó, trong nghiên cứu này, khả năng chịu mặn của cây chanh không hạt được khảo sát ở các điều kiện đất được bổ sung sodium chloride từ 0 đến 16 g/L, nhằm xác định ngưỡng chịu mặn của cây, sau đó xử lý tưới nước rửa mặn ở rễ và phun dung dịch KNO3 ở các nồng độ từ 0 đến 10 g/L lên lá. Kết quả cho thấy, sodium chloride 4−16 g/L gây stress thẩm thấu và làm giảm sự tăng trưởng của cây sau 2 tuần xử lý, làm tăng sự rụng lá, giảm sự tạo mới của lá, giảm trọng lượng tươi, giảm chỉ số diệp lục tố, giảm độ mở khẩu, giảm cường độ quang hợp theo thời gian. Stress muối thúc đẩy sự lignin hóa trong các tế bào nhu mô vỏ rễ, giảm sự tạo mới và kéo dài rễ. Bên cạnh đó, các xử lý hỗ trợ sự phục hồi cho cây cũng được thực hiện bằng cách tưới nước để rửa mặn ở gốc và phun KNO3 10 g/L trên lá. Xử lý tưới nước chỉ phục hồi được các cây chịu stress sodium chloride ở mức từ 8 g/ L trở xuống và tạo lá mới sau 3−6 tuần, duy trì hàm lượng diệp lục tố ở lá, hạ thấp hàm lượng proline. Sodium chloride 12 và 16 g/L gây chết hoàn toàn cho cây và không thể phục hồi sau 6 tuần tưới nước. Xử lý kết hợp phun KNO3 10 g/L giúp độ mở khí khẩu mở cùng với sự tăng tích lũy proline ở lá và rễ. Ngoài ra, vai trò của các chất điều hòa tăng trưởng thực vật nội sinh cũng được thảo luận để làm rõ những thay đổi sinh lý trong điều kiện stress mặn.