Nghiên cứu đánh giá khả năng ức chế tăng trưởng của vi khuẩn Streptococcus agalactiae phân lập được trên cá rô phi của một số cao chiết có nguồn gốc thảo dược. Dịch chiết của năm loại thảo dược (quế, gừng, xuyên tâm liên, diếp cá, tía tô) được pha trong dung môi ethanol 96% và methanol 99,8%, sau khi xử lý nhiệt,, lọc và cô quay chân không tạo được các cao chiết có nồng độ 2000 mg/ml. Kết quả cho thấy, cao chiết vỏ quế (trong ethanol 96% hoặc methanol 99,8%) cho hiệu quả kháng khuẩn cao nhất với cả Streptococcus agalactiae SA3 và SA4, ở mức đối kháng mạnh với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 17,67 mm và 16,25 mm ( SA3), 33,42 mm và 32,75 mm (SA4). Cao chiết gừng và xuyên tâm liên đối kháng ở mức trung bình (đường kính vòng kháng khuẩn từ 9,50 – 13,08 mm), cao chiết diếp cá và tía tô đối kháng ở mức yếu (đường kính vòng kháng khuẩn từ 2,92 – 7,42 mm). Các giá trị MBC và MIC của cao chiết vỏ quế chiết xuất trong hai loại dung môi tương ứng là 16.000 μg/ml và 8.000 μg/ml (đối với chủng SA3), 8.000 μg/ml và 4.000 μg/l (đối với chủng SA4). Kết quả cho thấy, cao chiết vỏ quế chiết xuất trong ethanol 96% hoặc methanol 99,8% là loại cao chiết thảo dược tiềm năng có thể sử dụng trong phòng bệnh do Streptococcus agalactiae gây ra trên cá rô phi.