Kể từ khi mở cửa với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, nhất là sau khi hội nhập quốc tế, nhận thức về vai trò trung tâm của khách hàng đã được các doanh nghiệp triển khai, quản lý mức độ thoả mãn khách hàng, thị phần sản phẩm của mình tại mỗi khách hàng ngày càng chi tiết cụ thể nhất. Coi đó là một chỉ tiêu định hướng cho khả năng tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên sau 30 năm, nhất là sau đại dịch Covid-19, cùng với xu thế của kinh tế số và sự vận hành của cả chuỗi cung ứng toàn cầu, sự giảm đi của các giao diện trực tiếp (face to face) cũng như giảm đi các khâu dịch vụ trung gian có làm thay đổi gì trong hoạt động phục vụ khách hàng hay không? Quan điểm “khách hàng luôn đúng” có còn chính xác không? Tổ chức hoạt động dịch vụ trên không gian số là hình thức dịch vụ như thế nào cho các sản phẩm cụ thể, hữu hình của ngành dệt may và thời trang? Đánh giá vị thế của doanh nghiệp bằng các con số % thoả mãn của khách hàng có còn đủ không? Có phải chăng, doanh nghiệp sản xuất dệt may đang có bước chậm trễ trong quan điểm và cách thức triển khai hoạt động phục vụ khách hàng?