Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ acid uric và đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trên bệnh nhân tiền sản giật. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được thực hiện trên ba nhóm thai phụ gồm 33 thai phụ nguy cơ tiền sản giật và 25 thai phụ tiền sản giật nhẹ và 13 thai phụ tiền sản giật nặng từ 01/04/2023 đến 09/2023 tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Nồng độ acid uric được xác định theo phương pháp thủy phân enzyme uricase và đánh giá mật độ quang ở bước sóng 505 nm. Kết quả: Nồng độ acid uric máu trung bình của nhóm nguy cơ là 429,66 ± 81,50 μmol/L
nhóm tiền sản giật nhẹ là 466,39 ± 56,12 μmol/L và của nhóm tiền sản giật nặng là 534,17 ± 68,54 μmol/L
nồng độ acid uric máu trung bình của nhóm tiền sản giật nặng cao hơn so với nhóm nguy cơ và nhóm tiền sản giật nhẹ (p <
0,01). Nồng độ acid uric có mối tương quan thuận với tuổi mẹ, tuần thai lúc vào viện, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Nồng độ acid uric có mối tương quan với các chỉ số sinh hóa: ure, creatinin, AST, ALT, protein máu, albumin
và protein niệu ở các thai phụ tiền sản giật. Kết luận: Nồng độ acid uric huyết tương ở thai phụ tiền sản giật nặng cao hơn so với nhóm nguy cơ và nhóm tiền sản giật nhẹ. Nồng độ acid uric có mối tương quan với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trên bệnh nhân tiền sản giật.