Trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diện tích và sản lượng lạc có xu hướng giảm dần theo thời gian, việc chọn tạo các dòng lạc mang gen/QTL chịu hạn với ngưỡng năng suất khá cao được coi là một trong những giải pháp hiệu quả và có tính chiến lược. Trong nghiên cứu này, sử dụng phương pháp đánh giá ngoài đồng ruộng và phân tích sàng lọc gen chịu hạn, 6 giống lạc (TK10, Chùm Nghệ An, Sen Nghệ An, L20, L23 và L14) đã được chọn ra từ tập đoàn dòng/ giống lạc có sẵn tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm vật liệu khởi đầu để lai tạo phục vụ cho việc chọn dòng có các đặc tính mong muốn. Với 5 tổ hợp lai tạo (giống Chùm Nghệ An làm cây mẹ
các giống làm bố gồm: TK10, Sen Nghệ An, L20, L23 và L14), nghiên cứu đã chọn lọc được 15 dòng lạc ưu tú thế hệ F3 có năng suất đạt trên 29 tạ/ha, trong đó có 5 dòng F3-6, F3-12 (Chùm Nghệ An × L23), F3-9, F3-10 (Chùm Nghệ An × Sen Nghệ An) và F3-13 (Chùm Nghệ An × L14) mang locus quy định tính chịu hạn thông qua kỹ thuật điện di. Đáng chú ý là cả 5 dòng này đều có khả năng phục hồi cao trong môi trường hạn nhân tạo (lần lượt là 92,8-94,6, 84,4-88,4 và 80,0-83,4%), mức suy giảm năng suất trung bình (30,56-34,10%), tương ứng với khả năng chịu hạn khá ở mức điểm 3 (G=21-40%).