Hiện nay, Sâm cau chủ yếu được thu hái ở Yên Bái và sử dụng cả nước nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ về thành phần cũng như tác dụng sinh học. Ở nước ngoài, đã có một vài công trình nghiên cứu về thành phần hóa học hay tác dụng dược lý của loài này. Nghiên cứu thành phần hóa học hướng tác dụng chống oxy hóa của thân rễ Sâm cau. Thân rễ Sâm cau thu hái tại Yên Bái vào tháng 5/2018 và được TS. Võ Văn Chi xác định loài. Chiết xuất bằng cồn 96%, tách phân đoạn và sàng lọc tác dụng chống oxy hóa của cao toàn phần, cao phân đoạn và chất phân lập bằng phương pháp DPPH. Phân lập các hợp chất bằng sắc ký cột nhanh, sắc ký cổ điển và xác định cấu trúc bằng các phương pháp phổ học. Qua sàng lọc, cao phân đoạn ethyl acetat (từ cao cồn 96%) có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất, đã phân lập và xác định cấu trúc 4 hợp chất: orcinol, curculigosid, curculigosid B và orcinol glucosid. Theo phương pháp DPPH, 4 chất đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa yếu. Từ cao ethyl acetat của dịch chiết cồn 96% đã phân lập và xác định được cấu trúc 4 chất tinh khiết. Orcinol lần đầu tiên được phân lập từ Sâm cau ở Việt Nam. Tất cả 4 chất đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa yếu theo phương pháp DPPH.