Nhiễm nấm mốc trên thực phẩm là vấn đề phổ biến vàmột số nấm mốc có khả năng sinh độc tố (mycotoxins) ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các giống nấm mốc sinh độc tố chính bao gồm Aspergillus,Fusarium và Penicillium. Mục tiêu: 1. Định danh các loại nấm mốc sinh độc tố ở các loại thực phẩm thu thập tại một số chợ thuộc thành phố Huế. 2. Khảo sát sự phân bố các loài nấm mốc trên thực phẩm theo mùa trong năm. Đối tượng, phương pháp nghiên cứu: Các mẫu hạt thực phẩm được thu thập từ 05 chợ tại thành phố Huế vào các thời điểm khác nhau trong năm. Mẫu thu thập nuôi cấy trên môi trường Czapeck. Định danh vi nấm dựa trên đặc điểm hình thái. Kết quả: Tỷ lệ nhiễm nấm mốc chung của các loại hạt thực phẩm là 34,2%, trong đó lạc có tỷ lệ nhiễm mốc cao nhất (60%). Các giống vi nấm phân lập được bao gồm: Aspergillus (78,2%), Penicillium (21,3%) và Paecilomyces (0,5%). Giống Aspergillus có 5 loài được phân lập với A. niger và A. flavus là những loài phổ biến. Đậu tương có tỷ lệ nhiễm A. flavus cao nhất (37,5%) và lạc có tỷ lệ nhiễm A. niger cao nhất (85,9%). Tỷ lệ mốc thực phẩm xảy ra cao nhất vào mùa mưa với tỷ lệ nhiễm cao của A. niger, A. flavus. Kết luận: A. niger và A. flavus là 2 loài nấm mốc phân lập phổ biến trên các hạt thực phẩm chính ở địa bàn thành phố Huế. Cần có các biện pháp bảo quản thực phẩm thích hợp để phòng tránh bệnh độc tố nấm mốc.