Trong những thập kỷ gần đây, sốt xuất huyết Dengue (SXHD) được ghi nhận là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới. Bệnh hiện đang lưu hành ở hơn 129 quốc gia, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh cũng đã và đang trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng. Trong năm 2022, cả nước có hơn 300 nghìn trường hợp mắc bệnh với 115 trường hợp tử vong. Việc tìm hiểu các yếu tố tiên lượng có ý nghĩa giúp phát hiện sớm các trường hợp nặng, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra. Trong bệnh sốt xuất huyết Dengue, tổn thương gan và giảm tiểu cầu là những biểu hiện lâm sàng rất thường gặp. Việc kết hợp hai chỉ số tăng transaminase và giảm tiểu cầu thông qua chỉ số APRI có ý nghĩa tiên lượng mức độ nặng của bệnh trong nhiều nghiên cứu. Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rằng chỉ số APRI cao giúp phân biệt bệnh nhân SXHD và SXHD nặng với độ nhạy là 60,53% và độ đặc hiệu là 79,89%. Năm 2021, một nghiên cứu được tiến hành trên 4.069 bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ ra giá trị APRI ≥ 19,18 có ý nghĩa tiên lượng tử vong là 100%. Một nghiên cứu khác năm 2023 kết luận với giá trị điểm cắt là 2,5, độ nhạy và độ đặc hiệu của giá trị APRI để tiên đoán mức độ nặng của bệnh lần lượt là 80,0% và 76,8%. Bên cạnh đó, nghiên cứu khác cho thấy rằng chỉ số APRI giúp phân biệt nhiễm Dengue nguyên phát và thứ phát với độ nhạy và độ đặc hiệu là 75% và 76% với điểm cắt chỉ số APRI là 1,06. Như vậy, qua các nghiên cứu, APRI được coi là một công cụ hữu ích giúp phân biệt nhiễm Dengue nguyên phát và thứ phát cũng như tiên lượng mức độ nặng của bệnh, có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm, giúp điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue gây ra.