Khảo sát mối liên quan của giảm tiểu cầu với kết cục lâm sàng ở bệnh nahan nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, tiến cứu. Có 93 trường hợp nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn Sepsis-3 nhập khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Nguyễn Trãi từ 01/11/2021 đến 30/09/2022. Kết quả: Tỷ lệ giảm tiểu cầu sau 3 ngày là 57,0%, mức độ nhẹ 29,0%, trung bình 17,2%, nặng 10,8%. Số lượng tiểu cầu trung bình ngày 2 (176,32 K/μl) giảm hơn ngày 1 (216,67 K/μl), khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <
0,01). Tuổi, giới, điểm APACHE, Procalcitonin, mức Lactate máu khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa nhóm giảm tiểu cầu và không giảm tiểu cầu. Số lượng bạch cầu ở nhóm giảm tiểu cầu là 12,7 K/μl so với nhóm không giảm tiểu cầu là 17,0 K/μl, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p=0,01). Thời gian nằm Hồi sức cấp cứu, thời gian nằm viện, thời gian sử dụng vận mạch, tỷ lệ tử vong giữa nhóm bệnh nhân giảm tiểu cầu và không giảm tiểu cầu khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết luận: Tình trạng giảm tiểu cầu thường gặp ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, giảm tiểu cầu không có mối liên quan với kết cục tử vong, thông khí cơ học, thời gian nằm Hồi sức cấp cứu, thời gian nằm viện, thời gian sử dụng vận mạch. Vì vậy, không sử dụng yếu tố giảm tiểu cầu một cách độc lập để tiên lượng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.