Cường giáp là thuật ngữ để chỉ tình trạng tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormone. Cường giáp nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim, đột quỵ, một số trường hợp bão giáp dẫn đến tử vong. Thuốc kháng giáp tổng hợp (TKGTH) được sử dụng để điều trị cường giáp trong hơn bảy mươi năm qua, chúng rất hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng bệnh. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm khảo sát việc sử dụng TKGTH trên bệnh nhân cường giáp tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nghiên cứu này xác định tỷ lệ chọn lựa các loại thuốc điều trị cường giáp và hiệu quả điều trị do thuốc kháng giáp tổng hợp đem lại. Nghiên cứu dọc 2 điểm cắt, có 110 bệnh nhân (trên 18 tuổi) mắc cường giáp tham gia nghiên cứu từ tháng 12/2020 – 04/2021 tại khoa khám bệnh bệnh viện Chợ Rẫy. Nhóm nghiên cứu gồm 110 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, tuổi trung bình là 42 ± 12 tuổi, 86 bệnh nhân là nữ (78,2%). Trong số tất cả 110 bệnh nhân, 102 bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, 7 bệnh nhân dùng i-ốt phóng xạ, 1 bệnh nhân chỉ định phẩu thuật. Tỷ lệ dùng methimazol và propylthiouracil lần lượt là 97,06% và 2,94%. Sau 4 tháng theo dõi, các triệu chứng cơ năng được cải thiện, nồng độ FT3, FT4 giảm có ý nghĩa thống kê (p <
0,001), tỷ lệ BN đạt nồng độ FT3, FT4 về mức bình thường 74,51%. Các yếu tố được báo cáo là có liên quan đến kết quả điều trị FT3, FT4 nằm trong khoảng bình thường là thời gian điều trị và thói quen hút thuốc. Bệnh nhân cường giáp điều trị với thuốc kháng giáp tổng hợp sẽ cải thiện được triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.