Tiêu chuẩn ACR-TIRADS 2017 giúp phân loại nguy cơ ác tính của nhân giáp bằng các đặc điểm siêu âm, sau đó kết hợp với kích thước để quyết định làm FNA cho bệnh nhân. Tuy nhiên kích thước nhân giáp có tương quan với ác tính hay không? Mục tiêu: Xác định tỷ lệ ác tính ở các nhân được xếp loại TI-RADS 3, TI-RADS 4, TI-RADS 5 có kích thước theo khuyến cáo và có kích thước nhỏ hơn khuyến cáo theo ACR-TIRADS 2017. Đối tượng – Phương pháp: nghiên cứu cắt ngang mô tả hồi cứu tại bệnh viện nhân dân Gia Định. Các nhân giáp được xếp loại TI-RADS 3, TI-RADS 4, TI-RADS 5 và được phân chia thành những nhóm kích thước khác nhau theo ACR-TIRADS 2017. Kết quả: Tổng số 416 bệnh nhân và 533 nhân giáp thỏa điều kiện nghiên cứu. Nguy cơ nhân giáp ác tính tăng lên khi được phân loại cao hơn (9,1% ở TI-RADS 3, 12,8% ở TI-RADS 4 và 55,4% ở TI-RADS 5). Với điểm cắt TI-RADS 5 SEN, SPE, PPV, NPV trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp lần lượt là 72,03%, 78,72%, 55,38%, 88,47 % (AUC=0,8). Không có sự tương quan giữa kích thước nhân trên siêu âm và nguy cơ ác tính. Kết luận: ACR-TI-RADS 2017 là một hệ thống phân loại dễ áp dụng, chính xác cao trong phân loại nhân giáp dựa trên các đặc điểm siêu âm, để đánh giá nguy cơ ác tính. Kích thước nhân không phải là một tiêu chuẩn quan trọng để chỉ định FNA khi nhân được phân loại có nguy cơ ác tính cao trên siêu âm.