Mục tiêu của khảo sát là đánh giá tình trạng viêm tử cung tích mủ trên chó, theo dõi hiệu quả điều trị và phân lập một số vi khuẩn sinh mủ hiện diện trong dịch viêm trên chó. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023 tại Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh Động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh. Trong tổng số 1.715 chó cái được khảo sát, ghi nhận 81 ca viêm tử cung tích mủ (chiếm 4,43%). Kết quả cho thấy bệnh viêm tử cung tích mủ có tỷ lệ cao nhất trên nhóm chó 5 - 7 tuổi (35,80%), kế đến nhóm từ 2 - 4 tuổi (20,99%) và thấp nhất là nhóm chó <
2 tuổi (3,70%). Giống chó nội có tỷ lệ bệnh (19,75%) thấp hơn so với giống chó ngoại (80,25%) (P <
0,05). Bệnh xảy ra ở nhóm chó nuôi nhốt chiếm tỷ lệ 58,02% cao hơn so với nuôi thả rông 41,98% (P <
0,05). Mặt khác, nhóm chó không sinh sản chiếm tỷ lệ bệnh cao nhất (64,20%) ở bệnh này, kế đến là chó đẻ 1 lứa (25,93%) và tỷ lệ thấp nhất ghi nhận ở chó đẻ 5 lứa (1,23%) (P <
0,05). Các triệu chứng bệnh phổ biến trong viêm tử cung tích mủ trên chó như ủ rũ/hay nằm sấp, tiết dịch âm đạo, bụng to/đau khi sờ, uống nhiều nước/ khát nước, bỏ ăn, mất nước, sốt, trọng lượng giảm, tiểu nhiều, nôn mửa, các triệu chứng này rất thường gặp, có tần suất xuất hiện cao và có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh. Streptococcus là nhóm vi khuẩn sinh mủ được tìm thấy trong mẫu dịch tử cung bằng phương pháp nuôi cấy phân lập. Phương pháp được chủ nuôi lựa chọn để điều trị viêm tử cung tích mủ trên chó tại TP. Hồ Chí Minh là can thiệp ngoại khoa và hiệu quả điều trị chiếm tỷ lệ thành công cao (90,12%).