Nghiên cứu hiệu quả và tính an toàn của gây tê mặt phẳng cơ ngang bụng (TAP block) dưới hướng dẫn siêu âm trong giảm đau đa mô thức sau phẫu thuật lấy thai tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Đối tượng, phương pháp: 80 sản phụ ASA1, ASA2, có chỉ định phẫu thuật lấy thai, đường mổ Pfannenstiel, chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm TAPB gồm 40 sản phụ được gây tê TAP block bằng levobupivacaine 0.25% 18ml mỗi bên, nhóm chứng gồm 40 sản phụ không gây tê TAP block. Cả hai nhóm đều sử dụng paracetamol 1g truyền tĩnh mạch mỗi 6 giờ và voltaren 100mg (diclofenac) nhét hậu môn. Sử dụng 5mg morphine bolus tĩnh mạch khi điểm đau lớn hơn hoặc bằng 4. Đánh giá hiệu quả giảm đau khi nghỉ ngơi, lúc vận động bằng thang điểm nhìn hình đồng dạng VAS tại các thời điểm 2, 4, 6, 8, 10, 12 giờ sau phẫu thuật, tổng liều morphine sử dụng ở cả 2 nhóm, tác dụng phụ nếu có. Kết quả: Tại thời điểm 2 giờ sau phẫu thuật, điểm đau của hai nhóm tương đương, tuy nhiên từ giờ thứ 4 trở đi, nhóm TAPB có điểm VAS khi nghỉ ngơi và vận động thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p <
0.05), tổng liều morphine sử dụng ở nhóm chứng nhiều hơn nhóm TAPB (p <
0.05). Thời gian giảm đau trung bình của nhóm TAPB là 9.8 ± 0.5 giờ. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, ngứa ở nhóm chứng cao hơn (p <
0.05). Chưa ghi nhận biến chứng gây tê ở nhóm TAPB. Kết luận: Gây tê mặt phẳng cơ ngang bụng TAP block tỏ ra hiệu quả khi làm giảm điểm đau lúc nghỉ và vận động, giảm tổng liều morphine cần sử dụng và an toàn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, TAP block là kĩ thuật có hiệu quả trong chiến lược giảm đau đa mô thức sau phẫu thuật lấy thai.