Mô tả một số yếu tố liên quan đến dấu hiệu trầm cảm theo thang điểm PHQ-9 ở người bệnh loãng xương cao tuổi. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ 09/2021 – 09/2022 với 285 người bệnh loãng xương tuổi ≥ 60 tuổi, khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Thang điểm PHQ-9 được sử dụng đánh giá tình trạng trầm cảm. Tổng số có 285 đối tượng nghiên cứu. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có dấu hiệu trầm cảm là 53,7%. Người bệnh loãng xương cao tuổi có T-score CXĐ ≤ -2,5 nguy cơ trầm cảm cao hơn 2,14 lần so với nhóm còn lại với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhóm người bệnh loãng xương cao tuổi có suy giảm về hoạt động chức năng hàng ngày (ADL), hoạt động chức năng hàng ngày có sử dụng công cụ (IADL), suy dĩnh dưỡng có dấu hiệu trầm cảm cao hơn 6,48 lần, 6,61 lần và 3,84 lần so với nhóm còn lại với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa điểm chất lượng cuộc sống và dấu hiệu trầm cảm đánh giá theo thang điểm PHQ-9, trong đó bệnh nhân trầm cảm có điểm chất lượng cuộc sống về khả năng vận động, tự chăm sóc, hoạt động hàng ngày, mức độ đau đớn và tâm lý thấp hơn so với người bệnh không có dấu hiệu trầm cảm. Nhóm người bệnh loãng xương cao tuổi có suy giảm về ADL và IADL, suy dinh dưỡng, điểm chất lượng cuộc sống thấp có dấu hiệu trầm cảm cao hơn bệnh nhân không có dấu hiệu trầm cảm. Do đó cần nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm để người bệnh chủ động phòng ngừa bệnh tật và hợp tác với các thầy thuốc trong quá trình điều trị bệnh.