Nội soi tán sỏi ngược chiều là phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu ít xâm hại và được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đứt rời niệu quản tuy là biến chứng hiếm gặp sau nội soi tán sỏi ngược chiều nhưng để lại hậu quả rất nặng nề và nghiêm trọng. Điều trị biến chứng này là một thách thức đối với bác sĩ tiết niệu. Mục tiêu của nghiên cứu là báo cáo và đánh giá xử trí đứt rời niệu quản đoạn dài tại cả 2 vị trí khúc nối bể thận – niệu quản và khúc nối niệu quản – bàng quang sau nội soi tán sỏi niệu quản ngược chiều. Trường hợp phát hiện thương tổn đứt rời niệu quản trái 2 đầu tận ngay trong lúc phẫu thuật được tạo hình niệu quản mới từ vạt bàng quang. Tái khám tại thời điểm 3 tháng sau phẫu thuật ghi nhận chủ mô thận trái trên siêu âm và chức năng thận trái bình thường, bệnh nhân được rút thông double J sau đó. Tái khám ở thời điểm 1 năm cho thấy bể thận dãn độ II, ghi nhận sỏi niệu quản trái, bệnh nhân được nội soi tán sỏi niệu quản và sạch sỏi sau phẫu thuật. Sau 2 năm theo dõi, hiện tại chức năng 2 thận bình thường, tuy nhiên có ghi nhận hình ảnh bể thận trái dãn và ứ nước độ II, bệnh nhân vẫn được tiếp tục tái khám và theo dõi sát. Một trường hợp khác thương tổn đứt rời 2 đầu niệu quản trái được phát hiện muộn sau phẫu thuật nội soi tán sỏi, chuyển đến trung tâm chúng tôi sau 12 giờ, được thực hiện tạo hình niệu quản với kĩ thuật tương tự. Tái khám ở thời điểm sau 3 tháng ghi nhận chủ mô thận trái và chức năng thận trái bình thường, chúng tôi tiến hành thay double J trái và tiếp tục theo dõi sát tình trạng bệnh nhân. Những trường hợp đứt rời niệu quản đoạn dài tại 2 vị trí khúc nối bể thận – niệu quản và khúc nối niệu quản – bàng quang do nội soi niệu quản ngược chiều ở nữ giới, dung tích bàng quang đủ lớn, kĩ thuật tạo vạt Boari nối dài (Extended Boari – Flap) có thể là lựa chọn điều trị khả thi và an toàn.